Giải Mật Ngoại Hạng Anh

Review sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh

Giới thiệu sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh – Tác giả Joshua Robinson, Jonathan Clegg

Giải Mật Ngoại Hạng Anh

Những chiến lược kinh doanh tối mật & bước ngoặt lịch sử nào đã đưa Ngoại hạng Anh trở thành đế chế công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới?

Hành trình trỗi dậy của Giải Ngoại hạng Anh chính là một câu chuyện về cơn sốt vàng hoang dại nhất trong thế giới thể thao. Chỉ trong vòng 25 năm, tổng giá trị của 20 câu lạc bộ của giải đã gia tăng tổng giá trị của họ lên lên hơn 10.000%, từ khoảng 50 triệu bảng năm 1992 thành 10 tỷ bảng ngày nay. Trong thời gian đó, giải đấu này cũng đã xuất khẩu những sản phẩm của nó tới mọi ngóc ngách trên khắp hành tinh.

Tuy nhiên, vẫn còn có một khía cạnh của lịch sử bóng đá Anh hiện đại chưa thực sự được đem ra mổ xẻ, phơi bày trước công chúng: câu chuyện nội tình về cách mà Giải Ngoại hạng Anh đã chuyển sang tồn tại ở dạng một công ty: Tập đoàn Ngoại hạng, từ một sản phẩm bóng đá đơn thuần trở thành một con quái vật khổng lồ, mang đẳng cấp toàn cầu ở cả ba phương diện thể thao, kinh doanh và giải trí.

Giải Mật Ngoại Hạng Anh
Giải Mật Ngoại Hạng Anh

1. Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Giải Mật Ngoại Hạng Anh
  • Mã hàng 8935251416121
  • Tên Nhà Cung Cấp Alpha Books
  • Tác giả Joshua Robinson, Jonathan Clegg
  • Người Dịch Phùng Quang Hưng
  • NXB NXB Lao Động
  • Trọng lượng (gr) 520
  • Kích Thước Bao Bì 23 x 15 cm
  • Số trang 516
  • Hình thức Bìa Mềm

2. Đánh giá Sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh

Đánh giá Sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh
Đánh giá Sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh

1 Sách hay, lôi cuốn. Đọc hiểu rõ thêm quá trình hình thành Đế chế Ngoại Hạng Anh. Từ 1 giải đấu tầm thường quốc nội đã vươn lên trở thành Giải đấu toàn cầu mang tầm vóc Thể thao giải trí. Sách được giao đúng hạn , đóng gói chuẩn. Bìa sách đẹp

2 Hàng giao nhanh, sách đẹp, nội dung hay. Rất hài lòng với Tiki, nên chú ý hơn ở khâu đóng gói.

3 Bìa sách không nhăn, bảo quản tốt, giao hàng đúng hẹn, chân thành cảm ơn

4 Nếu b là fan bóng đá fan của epl thì nên mua ngay quyển sách này để thưởng thức

5 Một cuốn sách tuyệt vời

Review sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh

Review sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh
Review sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh

Trong Giải mật Ngoại hạng Anh, 2 tác giả J.Robinson và J.Clegg đưa người đọc khám phá sự trỗi dậy của giải thể thao nổi tiếng nhất hành tinh. Hành trình này chính là cơn sốt vàng hoang dại nhất trong thế giới thể thao.

Giải Bóng đá Ngoại hạng Anh không còn xa lạ với người hâm mộ Việt Nam, nhưng cái cách mà phần đông chúng ta tiếp cận với giải đấu này là trên góc độ người thụ hưởng một sản phẩm truyền thông giải trí.

Nếu không phải là fan của bộ môn túc cầu giáo, nhiều người sẽ vô cùng ngạc nhiên rằng, trong các lần giải đấu hết thời hạn bản quyền trước đây, người hâm mộ lại “lên cơn” đòi các nhà đài phải mua bằng được bản quyền một giải đấu ở cách chúng ta cả nửa vòng trái đất, trong khi giải bóng đá nội địa V-League thì thường xuyên đìu hiu cả trên khán đài lẫn sóng truyền hình.

Bản quyền giải Ngoại hạng Anh luôn là một món hàng “hot” dù giá không hề rẻ, bản quyền sau luôn đắt hơn bản quyền trước. Tất cả bắt nguồn từ những bí mật kinh doanh, nhưng thủ pháp marketing – quảng cáo khiến Ngoại hạng Anh trở thành một sản phẩm giải trí hàng đầu.

Giải mật Ngoại hạng Anh hé lộ những bí mật kinh doanh tạo nên cơn sốt vàng hoang dại nhất đầu thế kỷ XXI
Trong tác phẩm này, 2 tác giả Joshua Robinson và Jonathan Clegg đưa người đọc khám phá lịch sử trỗi dậy của giải đấu thể thao nổi tiếng nhất hành tinh. Phía sau đó là câu chuyện kinh doanh thú vị về cách mà tiền bạc, tham vọng và 25 năm biến động đã biến một tổ chức lỗi thời trở thành đế chế giải trí của thế kỷ XXI.

Trước khi là một đế chế sản sinh ra lợi nhuận hàng trăm triệu bảng hiện nay, hiện trạng của giải đấu số 1 nước Anh thực sự bi đát. Hãy nghe một trích đoạn ngắn sau đây để hiểu rõ:

“Những phát hiện của đại phán quan Peter Taylor được công bố vào tháng 1/1990 vạch trần tình trạng nguy hiểm của môn thể thao quốc gia, từ bạo loạn đám đông tới trạng thái xuống cấp trầm trọng của các sân vận động. Bản công bố cũng đưa ra khuyến cáo về những giải pháp cho vấn đề ấy, bao gồm việc dỡ bỏ hàng rào chặn đám đông; giảm thiểu khán đài đứng và dần chuyển sang toàn bộ khán đài có chỗ ngồi. (Bản công bố cũng gãi đúng chỗ ngứa của David Dein ở Arsenal, người đang duy trì một cuộc thánh chiến đối với nhà vệ sinh ở sân vận động, vì trong công bố cũng nhắc tới nhà vệ sinh, miêu tả chúng là “thô sơ về thiết kế, thiếu hụt về số lượng và kém cỏi về vận hành lẫn duy tu”.

Đó đã từng là hiện trạng của bóng đá Anh trong giai đoạn bình minh đêm trước khi giải Ngoại hạng ra đời. Nhưng điều thú vị đầu tiên của cuốn sách này là, đây không chỉ là sách về “bóng đá”, mà chính xác là “kinh doanh trong bóng đá”.

“Qua cuốn sách, độc giả có thể hiểu hơn, có một cái nhìn sâu sắc, cốt lõi khi giải Ngoại hạng Anh (NHA) được hình thành thế nào”, anh Đặng Hồng Quân, biên tập viên Alphabooks, người chịu trách nhiệm biên tập chính cuốn sách này cho biết.

“Bằng những thủ thuật ngoại giao, kinh doanh, quá trình lập chiến lược, huy động vốn… khiến cho giải đấu ban đầu chỉ là một giải rất yếu, vậy mà chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi họ đã tăng trưởng lên 10.000%, từ 50 triệu bảng năm 1992 lên 10 tỷ bảng hiện tại. Mô thức phát triển của giải NHA đặc biệt ở chỗ, dù trải qua rất nhiều trận đại khủng hoảng trên thế giới nhưng tiềm lực và tốc độ phát triển của giải không hề bị ảnh hưởng. Nó rất bền vững. Tất nhiên là cho đến trước năm 2020, còn chuyện dịch Covid ảnh hưởng thế nào đến giải thì chúng ta sẽ sớm biết thôi”.

Điểm thú vị thứ 2 là, có rất nhiều điểm tương đồng giữa hiện trạng giải bóng đá Việt Nam và giải Ngoại hạng Anh khi mới ra đời, mà câu chuyện về những nhà vệ sinh bốc mùi, những phòng thay đồ sập sệ, những khán đài xuống cấp… chỉ là một vài trong số đó. Ngoài ra còn là chuyện, các đội bóng ở Anh cũng từng chỉ giỏi tiêu tiền của các ông chủ. Nhưng điều khiến giải Ngoại hạng Anh bứt phá là họ khai phá được tư duy doanh nhân, làm mọi cách để giải đấu sản sinh lợi nhuận.

“Trong cuốn sách này có nhiều nhân vật điều hành các CLB thậm chí cũng chẳng quan tâm đến bóng đá, có những ông trùm truyền thông thậm chí chẳng biết bóng đá là gì? Những nhân vật như thế đam mê của họ hoàn toàn không ở lĩnh vực bóng đá, mà chỉ ở khía cạnh “kinh doanh” trong bóng đá”, dịch giả Phùng Quang Hưng của sách Giải mật Ngoại hạng Anh nói.

“Giải mật Ngoại hạng Anh” là đầu sách được xếp vào loại quản trị kinh doanh, hé mở những câu chuyện làm sao một giải đấu đầy tính địa phương chủ nghĩa chuyển sang tồn tại ở dạng một công ty – Tập đoàn Ngoại hạng, là câu chuyện về các giao dịch phát sóng truyền hình, các chiến lược và thỏa thuận chuyển nhượng công ty.

Từ cách Sky giành được các hợp đồng bản quyền truyền hình quan trọng, đến sự trỗi dậy của Man United và Arsenal, thời đại của các nhà tài phiệt và cuối cùng là hướng tới tương lai như ngày hôm nay. Có cả những bí quyết đã biến một sản phẩm bóng đá đơn thuần thành một tập đoàn giải trí toàn cầu.

“Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay thì một lĩnh vực mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải chú ý là trải nghiệm người dùng”, biên tập viên Đặng Hồng Quân cho biết. “Không phải tự dưng họ có thể leo lên đỉnh cao. Để tạo nên yếu tố giải trí trong một giải thể thao là cực kì quan trọng. Khi bạn mang đến cho người xem cảm giác hưng phấn, hồi hộp, đôi khi sợ hãi, rồi đến vỡ òa vì vui mừng… thì tự khắc người ta sẽ bị nghiện việc theo dõi đấy”.

Nội dung cuốn sách được xây dựng dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng, cô đọng từ 100 cuộc phỏng vấn độc quyền của các tác giả với những người ra quyết định của mọi đội bóng lớn ở Anh. Bên cạnh việc đánh giá các sự kiện cũng như những nhân vật ở phía sau chúng, Robinson và Clegg còn phân tích các yếu tố lịch sử, văn hóa và thương mại đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của giải đấu, hoặc cản trở sự phát triển đó. Chính vì thế, khi ra mắt lần đầu tại Anh vào tháng 12/2018, những bí mật trong cuốn sách khiến nhiều người ngỡ ngàng.

“Điều khiến cuốn sách trở thành 1 trong những cuốn được săn lùng nhất tại Anh khi mới xuất bản là vì, 2 tác giả – bằng một thủ thuật nào đó – đã luồn lách vào nội bộ từng CLB, làm việc với những người phụ trách tài chính và những nhà thương thuyết chủ đạo của các CLB đấy, moi được những thông tin tuyệt mật. Những thông tin đấy thường mọi người sẽ không hé lộ, vì nó khá nhạy cảm, liên quan đến những bí mật tài chính, tình hình kinh doanh, cung cách vận hành của từng CLB… Nhưng bằng cách nào đó 2 tác giả đã khai thác được triệt để. Từ 16 CLB, họ đã tổng hợp để hình dung ra 1 bức tranh toàn cảnh của các CLB đấy và cả giải nói chung”.

Từ những xuất phát điểm tương tự giữa bóng đá Anh với bóng đá Việt Nam những ngày đầu, nhà báo Trương Anh Ngọc cho rằng, những nhà quản lý bóng đá nước ta có thể học hỏi giải Ngoại hạng Anh để phát triển.

“Đây có thể là cuốn sách để các nhà làm bóng đá của chúng ta học tập ở việc, làm thế nào để biến các giải như V-League, Cúp Quốc gia, Giải Hạng nhất… trở thành những sản phẩm lớn về mặt truyền hình. Các khán giả đã đến sân nhiều, nhưng các đội bóng vẫn chưa sống được bằng tiền bản quyền truyền hình, chưa sống được bằng các hợp đồng thương mại… cho nên việc đọc cuốn sách này, hay xa hơn nữa là cử các đoàn đại biểu của chúng ta sang học hỏi rất có thể sẽ áp dụng được gì đó cho chúng ta”.

Nhiều người làm trong ngành sách kể rằng, Việt Nam trong mắt ngành sách thế giới đang là một “cường quốc dịch thuật”, chúng ta không chỉ dịch sách tiếng Anh mà còn đủ loại ngôn ngữ, ở đủ các ngành nghề, đem các bài học quốc tế về Việt hóa cho độc giả Việt Nam.

Là một quốc gia phát triển sau, cách ngắn nhất và nhanh nhất là vận dụng hiệu quả bài học của thế giới, mà với những câu chuyện thành công kinh điển như giải bóng đá Ngoại hạng Anh là điều cần thiết trong lộ trình phát triển của Việt Nam, cả trên khía cạnh thể thao, giải trí và kinh doanh.

Các đoạn hay trong sách:

1. Giải Ngoại hạng Anh dường như trở thành một câu chuyện muôn thuở về sự bùng nổ và tan vỡ, không khác gì so với các thể loại bong bóng khác đã được giảng dạy trong sách giáo khoa về kinh tế. Nó chỉ khác biệt ở đúng một phương diện quan trọng nhất: Đối với bộ môn túc cầu, bong bóng không bao giờ nổ.

2. Nhưng vẫn còn có một khía cạnh của lịch sử bóng đá Anh hiện đại chưa thực sự được phơi bày trước công chúng: câu chuyện nội tình về cách mà Giải Ngoại hạng Anh đã chuyển sang tồn tại ở dạng một công ty: Tập đoàn Ngoại hạng, từ một sản phẩm bóng đá đơn thuần trở thành một con quái vật khổng lồ, mang đẳng cấp toàn cầu ở cả ba phương diện thể thao, kinh doanh và giải trí. Đây chính là câu chuyện mà tôi muốn kể.

3. Họ là những đại gia, ông chủ và nhà điều hành của 20 câu lạc bộ tham dự Giải Ngoại hạng Anh. Họ nhóm họp với nhau để đảm bảo rằng con gà đẻ trứng vàng chung của cả nhóm, từng đem về doanh thu 5,6 tỷ đô-la trong một mùa giải, sẽ được tiếp tục vỗ béo với cái tốc độ điên cuồng mà nó đã duy trì trong một phần tư thế kỷ qua. Kể từ năm 1992, tổng doanh thu của Giải Ngoại hạng Anh đã tăng lên tới 2.500%. Nếu tính đến chuyện giải đấu đang được vận hành bởi một nhóm người thù ghét lẫn nhau, thì mức độ tăng trưởng này không hề tồi chút nào. Những gánh nặng thương trường đang đè lên vai các ngành công nghiệp khác vẫn chưa chạm được tới Giải Ngoại hạng, nhưng các ông chủ đã bắt đầu nhận ra rằng khi vòi bạch tuộc của giải đấu vươn tới khắp các hang cùng ngõ hẻm trên hành tinh, thì nhiều mối liên hệ gốc rễ tại quê nhà cũng đồng thời bị kéo căng. Hệ quả cộng dồn từ những hợp đồng bản quyền, lợi nhuận truyền hình, hàng hóa ăn theo như áo cầu thủ, và cả những chuyến giao lưu quốc tế của các đội bóng – khi giải đấu đã tự bán thân mình cho những ai trả giá cao nhất – dẫn tới giá vé vào sân xem bóng cũng bị kéo lên cao, khách du lịch bóng đá ùa về từ khắp thế giới (làm náo loạn cộng đồng người hâm mộ gốc ở bản địa), và cái logic hợp lý không thể cưỡng lại của lợi nhuận thương mại đã dần đánh bại tình cảm và lòng trung thành tuyệt đối của người dân dành cho các đội bóng – vốn là thứ duy nhất không thay đổi ở nhiều nơi trên nước Anh kể từ trước cả Đệ nhất Thế chiến.

4. Kết quả là căng thẳng bị gia tăng giữa hai thái cực, một bên là nỗ lực phát triển và bành trướng của một trong những nền công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới, và một bên là những người hâm mộ sở tại của bóng đá Anh – những khách hàng gốc của ngành công nghiệp đó – những người có danh tính gắn liền với sản phẩm của chính ngành công nghiệp đó. Vậy là sau cùng, Giải Ngoại hạng phải đương đầu với những thách thức của công cuộc toàn cầu hóa, hóa giải sự giằng co giữa việc phát triển và việc giữ gìn bản sắc, để có thể phổ cập hóa một sản phẩm vốn có truyền thống bảo thủ và không ưa việc bị phổ cập.

5. Dein tạm ngừng giây lát để nhận định lại cái sự vô lý của một khoản tiền như thế. Ông ta biết rằng Abramovich đã bỏ ra 140 triệu bảng để mua toàn bộ câu lạc bộ Chelsea. Chẳng nhẽ gia tài của ông ta đã khiến cho thị trường chuyển nhượng biến chuyển chóng mặt tới nỗi giờ đây một cầu thủ duy nhất lại có giá trị bằng 35% của cả một đội bóng ư? Với lại, nếu Abramovich thực sự thèm khát Thierry Henry đến vậy, thì chắc chắn là có cách đơn giản hơn để sở hữu anh ta chứ. “Tại sao các anh lại không mua luôn câu lạc bộ này cho rồi?” Dein hỏi. Câu trả lời là do quá trình nghiên cứu thăm dò của Abramovich trước khi nhảy vào thế giới bóng đá. Hồi mùa xuân năm 2003, ông ta đã thuê ngân hàng UBS của Thụy Sĩ thực hiện việc đánh giá tình hình ở Giải Ngoại hạng. Cuộc khảo sát này đã mang về cho ông ta nhiều nhận định, từ hoàn cảnh tài chính bết bát của Chelsea cho tới tiềm lực mơ hồ của Tottenham, và cả chuyện Arsenal được xếp vào dạng câu lạc bộ chắc chắn không chịu bán. Khi đại diện của Chelsea kể lại như vậy, Dein đã đập bàn mạnh tới mức món súp trong bát của ông ta văng tung tóe ra ngoài. Ông ta nguyền rủa cái ngân hàng UBS và nguyền rủa cả Abramovich. Bởi vì nếu mùa hè năm ấy mà Abramovich tới gõ cửa sân Highbury thay vì sân Stamford Bridge thì Dein chắc chắn rằng ban quản trị của Arsenal đã đồng ý bán. Có mà điên mới không bán. Đáng ra Abramovich đã có được câu lạc bộ London với lối chơi đẹp mắt làm thú tiêu khiển cho riêng mình. Đáng ra ban quản trị của Arsenal – bao gồm cả Dein – đã được trả một khoản tiền kếch xù. Đáng ra ngân sách đào tạo và kinh phí chuyển nhượng vô hạn của Abramovich phải nằm trong tay một thợ săn lọc lõi như Wenger, để từ đó dựng nên một đế chế bóng đá vô địch. Đáng ra Arsenal phải là đội bóng đầu tiên có tỷ phú làm đại gia chống lưng, chứ không phải là Chelsea.

6. Đó chính là cung cách làm ăn của Chelsea ngày nay: họ mặt dày và không biết xấu hổ. Một khi đã muốn có thứ gì là họ sẽ chi tiền liên tục cho tới khi nào sở hữu được thứ ấy mới thôi. Họ luôn chơi trội tới mức tự coi mình là ngoại lệ, và Mourinho hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa ngoại lệ này. Ông ta không giới thiệu mình là con trai của một cựu thủ môn hạng trung và một giáo viên đại học, mà ngay từ buổi họp báo đầu tiên tại Chelsea, Mourinho đã tự giới thiệu bản thân bằng một biệt danh mà sau đó sẽ đi theo suốt sự nghiệp của ông ta, “Tôi không phải là dạng xoàng đâu. Tôi là một người đặc biệt.” Chất giọng của Người Đặc Biệt – nghe giống giọng một gã gián điệp Nga trong phim ảnh thời Chiến tranh Lạnh hơn là giọng của một huấn luyện viên bóng đá đến từ bán đảo Iberia, càng củng cố hình tượng một kẻ phản diện mới xuất hiện trong bóng đá Anh.

7. Đối với Wenger – người vốn nổi tiếng là bậc thầy về tiết kiệm kinh phí và chuyên gia kinh tế của bóng đá Anh, thì những nỗ lực quản lý ngân sách để xây nên ngôi nhà mới cho Arsenal có thể coi là đáng tự hào. Theo ông ta thấy thì dự án sân vận động Emirates chính là tiêu chuẩn vàng trong việc lập kế hoạch tài chính và hoạch định tương lai của một câu lạc bộ. Nhưng khi đó Arsenal chưa nhận ra rằng dù vừa dấn thân vào một công cuộc nâng cấp cơ sở hạ tầng với quy mô lớn nhất từng được thực hiện trong vòng cả thế kỷ, thì kế hoạch tài chính tuyệt vời ấy cũng sẽ sớm trở thành một thứ đồ cổ trong bóng đá Anh, giống như những chiếc giày đinh sắt, những chiếc quần thi đấu rộng thùng thình, và lạc hậu như chuyện đội tuyển Anh vô địch World Cup từ ngày xửa ngày xưa. Giải Ngoại hạng sắp sửa bước vào thời đại thống trị của các dòng đầu tư từ nước ngoài.

8. Ngay cả đội bóng thất thế như West Ham cũng vớ bẫm. Kế hoạch xây dựng một đế chế tại Giải Ngoại hạng của đội bóng “Đôi Búa” đã vấp phải thất bại nặng nề, họ bị xuống hạng, lứa sao trẻ bị bán tháo, và họ đã phải vật vờ suốt hai mùa bóng ở dưới giải hạng hai của bóng đá Anh. Thế nhưng sau đó họ đã tìm được đường quay trở lại giải đấu hạng cao nhất khi lọt vào mắt xanh của người giàu thứ 799 trên thế giới, một tỷ phú xứ Iceland tên là Björgólfur Guðmundsson. Guðmundsson là chủ tịch của Landsbanki – một trong những ngân hàng lớn nhất tại quốc gia tí hon kia, và nhờ đó ông ta đã gây dựng được một gia tài từ những khoản vay nước ngoài rẻ mạt, từ thị trường nhà ở trôi nổi, và từ cơ chế khó hiểu của lĩnh vực ngân hàng ở Iceland. Vào tháng 11 năm 2006, khi các quỹ đầu tư quốc tế bắt đầu mua những hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng để bán khống các ngân hàng tại Iceland, thì Guðmundsson đã dùng 85 triệu bảng trong đó để mua quyền làm chủ West Ham United. Các cổ động viên của câu lạc bộ này – những người không hiểu gì về bong bóng tài chính, đã chào mừng ông ta như một người hùng, một người sẽ giúp cho West Ham phát huy được những tiềm năng mà đội bóng chưa thể khai phá. Thế nhưng chỉ sau hai năm, Guðmundsson đã tuyên bố phá sản và giá trị ròng của ông ta tụt về con số 0 tròn trĩnh.

9. Al-Fayed không có được hình tượng tinh tế trước công chúng. Ông ta thường dính líu tới những vụ đấu khẩu với triệu phú này hoặc đại gia nọ. Từ những năm 1970, ông ta đã mua khách sạn Ritz ở Paris. Ở chuỗi cửa hàng Harrods thì ông ta áp đặt quy định về trang phục để có thể từ chối phục vụ những khách du lịch mặc quần đùi và đi dép lê. Còn trong bóng đá thì ông ta hứa hẹn sẽ đưa Fulham lên Giải Ngoại hạng trong vòng 5 năm. Không ai ngờ rằng câu lạc bộ này lại vươn tới miền đất hứa từ năm 2001 – sớm hơn một năm so với kế hoạch, đồng thời biến Al-Fayed thành ông chủ ngoại quốc đầu tiên của giải đấu này. Nhưng đó không phải là lý do vì sao các câu lạc bộ lâu đời khác coi ông ta như một kẻ lập dị. Al-Fayed bị coi là một kẻ lập dị vì dường như ông ta không hề biết ăn nói lựa lời. Một trò đùa mà ông ta hay dùng với các cầu thủ và cả thành viên ban lãnh đạo đội bóng là nhét những viên kẹo màu xanh mà ông ta luôn mang theo người vào tay của họ, rồi bảo họ rằng đó là thuốc Viagra. “Hãy uống viên này trước trận đấu nhé,” ông ta vừa nói vừa nháy mắt. Đó là lối ứng xử khi ông ta đang có tâm trạng tốt. Lúc đang bực tức thì ông ta còn khiến người khác thấy khó xử hơn. Khi đội bóng đang có kết quả thi đấu tồi tệ giữa mùa bóng 2010-11, ông ta đã xông vào giữa buổi tập của Fulham và yêu cầu mọi người lên phòng họp ngay lập tức. Sau một tràng mắng mỏ về phong độ thi đấu của họ, ông ta kéo vị huấn luyện viên – một cựu cầu thủ ưu tú của Manchester United là Mark Hughes – ra giữa phòng họp và chỉ thẳng tay vào Hughes. “Tôi sa thải ông ta nhé?” Al-Fayed gào lên. “Nhé?” Trong phòng khi đó toàn là những người đàn ông trưởng thành, và họ đều nín thinh, ngần ngại cúi nhìn xuống chân mình. “À, thế còn cậu thì sao?” Al-Fayed chỉ tay vào đội trưởng của Fulham là Danny Murphy. “Cậu là đội trưởng. Có lẽ tôi nên sa thải cậu.” Al-Fayed cho rằng chẳng có lý do gì để đối đãi với các cầu thủ khác với cách đối đãi những nhân viên bán hàng ở Harrods cả. Hughes và Murphy cuối cùng không bị sa thải sau cuộc họp căng thẳng nhất cuộc đời của họ, nhưng Hughes cũng đã từ chức vào mùa hè năm đó. Cứ khi nào cần nhớ lại rằng ông chủ của họ là một gã khùng rất dễ nổi đóa thì họ lại nhớ về cuộc họp này.

10.Khi các câu lạc bộ đều loay hoay vay mượn để mua gạch vữa về xây sân vận động, thì họ không còn ngân sách để mua bán chuyển nhượng và xây dựng đội hình nữa. Giải pháp để thoát khỏi tình cảnh ấy chính là lao đầu vào một thời kỳ thương mại hóa ồ ạt, trong đó các đội bóng rao bán mọi thứ, có lẽ chỉ trừ cột khung thành của họ. Trang phục thi đấu – vốn là thứ từ lâu dùng để thể hiện tên tuổi của các hãng tài trợ lớn, giờ lại phải chịu cảnh chồng chéo thêm logo của nhiều thương hiệu nhỏ hơn: những công ty cá cược ở nước ngoài, các nhà sản xuất nước tăng lực, và thậm chí cả những dịch vụ cho vay ngắn hạn. Quyền đặt tên sân vận động cũng được rao bán công khai, và thế là nhiều tên tuổi cổ kính và hào hùng đã bị đổi sang những cái tên kém ý nghĩa hơn. Dù các câu lạc bộ khác đều đã cố gắng tối đa, nhưng vẫn không ai có thể sánh được với chiến lược marketing phức tạp của United.

11.Sau từng ấy nỗ lực mà vẫn chưa nhận được kết quả, Cook dường như đã thấy trước mắt cảnh tượng thương vụ Abu Dhabi tan tành mây khói chỉ vì chàng trai 24 tuổi người Brazil kia không chịu bước lên chiếc máy bay mà ông ta đã sắp đặt ở Tây Ban Nha. Thế rồi tiếng chuông điện thoại lại reo lên một lần nữa. Đối phương đã chấp nhận.Trong lịch sử chuyển nhượng bóng đá, chưa từng xảy ra một thương vụ nào mang tính chất trọc phú như vậy. Một cầu thủ chạy cánh người Brazil giống như một chiếc xe Maserati vậy – dù chẳng có mấy ai biết lái chiếc xe ấy, nhưng mọi người đều phải công nhận nó là một chiếc xe rất “ngầu”.

12.“Chúng ta không còn là một đội bóng đá nữa, chúng ta thực ra đã trở thành một công ty truyền thông giải trí thể thao,” Cook tự nhủ khi những người chủ mới nhảy vào tiếp quản City. “Vậy chúng ta phải sáng tạo ra nội dung. Chúng ta phải xây dựng những sự kiện, chúng ta phải lập nên các chương trình, chúng ta phải làm ra những chuyện thị phi để thu hút công chúng. Chúng ta phải xuất hiện trên thời sự, trên báo chí, trên các trang nhất và cả trang sau cùng, liên tục mọi ngày. Vậy giờ liệu có phải tôi đang cạnh tranh với những câu lạc bộ bóng đá khác, như là Manchester United, hay là tôi đang cạnh tranh với Walt Disney, với Amazon?”

13.Tại Manchester City thì trước đây khối văn phòng hành chính thậm chí còn ăn mừng khi thấy đội bóng của họ bị loại khỏi cúp FA, bởi vì điều đó có nghĩa là họ sẽ phải làm ít việc hơn. Vậy nên sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để chuyển sang tâm thế làm việc trong ngành giải trí ở đẳng cấp toàn cầu. Những ông chủ mới của City đã vấp phải một rào cản văn hóa phức tạp hơn so với dự tính của họ. Họ đang sở hữu một câu lạc bộ có quá trình lịch sử khá đau thương. Nói chính xác hơn là họ đang sở hữu một câu lạc bộ đã từng chịu nhiều đau thương vì phải chia sẻ cùng một thành phố với Manchester United. Với một tâm lý như vậy, City dường như cứ cố gắng trở thành những thứ đối ngược với United. Trong khi United liên tục vươn tới những vinh quang mới thì City lại càng ngày càng trở nên tầm thường. Cook đã trực tiếp được thấy điều đó ở mọi bộ phận, mọi đơn vị trong câu lạc bộ. Ông ta đã sớm xác định được tâm lý ở nơi đây từ mùa bóng đầu tiên mà ông ta về làm lãnh đạo, trong một lần xuống thăm cửa hàng bán đồ của sân vận động. Khi đang làm công việc kiểm tra bình thường, Cook đã hỏi nhân viên bán hàng rằng món đồ nào là mặt hàng bán chạy nhất trong mùa bóng ấy, và đoán rằng đó chắc là chiếc khăn quàng hoặc trang phục áo thi đấu ở sân nhà. Câu trả lời mà ông ta được nghe lại là “Năm nay bán chạy nhất là đĩa DVD.” “Ý anh là đĩa DVD nào cơ?” Người nhân viên bán hàng chỉ tay về phía chồng đĩa và nói: “Đĩa ghi hình hai trận đấu với United trên sân nhà và sân khách.” Hóa ra mùa giải năm đó dù City chỉ về đích ở vị trí thứ chín, nhưng họ đã đánh bại kình địch cùng thành phố trong cả hai lần gặp nhau. Đó là một chuyện chưa từng xảy ra trong vòng 38 năm, vậy nên nó đã khiến cho người hâm mộ vô cùng vui sướng. Họ coi đó là một thành công không thể tưởng tượng nổi. Giờ đây tâm lý ấy cần phải được chỉnh đốn, và họ cần phải hiểu rằng đội bóng City đang có những kỳ vọng lớn lao hơn rất nhiều. Chuyện đánh bại United phải trở thành một chuyện thường tình như cơm bữa, họ phải thể hiện sức mạnh thống trị đúng theo cái đường lối ngạo mạn mà al-Fahim đã tuyên bố. Cook và alMubarak cũng có tham vọng giống như vậy, nhưng tất nhiên họ biết kiềm chế và không thể hiện ra ngoài một cách thô kệch như al-Fahim. “Nếu các bạn băn khoăn, lo lắng không hiểu chúng ta đang đi về đâu thì sự lo lắng đó là đúng,” Cook đã bảo với nhân viên như vậy. “Bởi vì chưa từng có ai dám đi về nơi mà chúng ta đang đi cả, chưa một ai từng thực hiện chuyện đó.” Trong cuộc họp hằng quý với các ông chủ ở Abu Dhabi, Cook đã nhận được chỉ thị rõ ràng: phải tạo ra một quyết tâm làm việc xuất sắc trên mọi phương diện. “Dẫn đầu phân khúc” chính là thuật ngữ mà các ông chủ của Cook sử dụng, như thể là họ đang miêu tả một quán rượu hạng sang. Mọi nhân viên của Manchester City sẽ cùng phải làm việc hết mình để đem lại kết quả tốt nhất, và để câu lạc bộ có được những thành tích tốt nhất trong phân khúc, trong đẳng cấp của mình. Thậm chí cả những nhân viên trông coi sân bãi cũng phải tham gia các buổi “họp bàn chiến lược” để tăng cường chuyên môn.

14. Báo giới cũng có một thủ thuật mà họ sử dụng để tạo cho người đọc cảm tưởng rằng họ đã được tiếp xúc nhiều hơn với các nhân vật bóng đá: thủ thuật cấm vận. Mỗi buổi họp báo hoặc phỏng vấn đều có thể chia thành ba phần. Giả dụ, buổi họp báo trước trận đấu vào ngày Chủ nhật sẽ được tổ chức vào ngày thứ Sáu.

10 phút đầu tiên của cuộc họp báo sẽ có nội dung mở, và các báo hay nhà đài đều được sử dụng nội dung ấy ngay lập tức. Thế rồi máy quay bị tắt đi, và phần thứ hai của buổi họp báo là dành cho các tờ báo và các trang web độc quyền, nhưng họ chỉ được đăng tải các nội dung của phần này kể từ 10 rưỡi tối hôm đó – để cho các phóng viên khỏi đua nhau xem ai đăng được bài trước. Và cuối cùng, phần thứ ba của buổi họp báo có nội dung dành cho những tờ báo ngày Chủ nhật. Tất nhiên tất cả phần nội dung ấy sẽ bị cấm vận cho tới cuối buổi tối ngày thứ Bảy. Tương tự, bất kể nội dung gì do các cầu thủ nói ra sau trận đấu – khoảng thời gian được coi là phần phỏng vấn hỗn hợp – đều cũng sẽ bị cấm vận, không phải theo quyết định của câu lạc bộ mà là theo quyết định của các thành viên cấp cao trong nhóm nhà báo và phóng viên.

15. Một giải pháp tài chính táo bạo hơn đã du nhập sang Anh từ Nam Mỹ vào giữa những năm 2000, với cái tên “Quyền sở hữu của Bên thứ Ba”. Mô hình của nó cũng khá đơn giản: một đội bóng đang sở hữu một cầu thủ tốt và đang cần huy động vốn – nhưng họ lại chưa muốn bán cầu thủ này đi. Vậy thay vì chọn biện pháp bán đi hoàn toàn, họ chỉ bán đi một phần “quyền sở hữu về kinh tế” đối với cầu thủ này cho một bên thứ ba, để bên thứ ba thanh toán bằng số tiền mặt mà họ đang cần. Bên thứ ba này có thể là một cá nhân, một quỹ đầu tư, hoặc đôi khi là một hãng sản xuất hòm thư ở Luxembourg. Để đổi lại khoản đầu tư này, bên thứ ba sẽ có quyền hưởng một phần trong tiền phí chuyển nhượng mà câu lạc bộ nhận được khi họ bán cầu thủ ấy đi trong tương lai. Nói theo cách khác thì, nếu bên thứ ba sử dụng 1 triệu euro để mua 30% quyền sở hữu cầu thủ, số tiền ấy sẽ được nhân ba nếu như cầu thủ ấy sau này được bán với giá 10 triệu euro. Tới năm 2015 thì FIFA thống kê rằng doanh thu từ Quyền sở hữu của Bên thứ Ba đã đạt khoảng 360 triệu đô-la mỗi năm – tức là chiếm tới 10% của toàn bộ chi phí chuyển nhượng. Đối với nhiều câu lạc bộ, cụ thể là các đội bóng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Nam Mỹ thì Quyền sở hữu của Bên thứ Ba là một cứu tinh thiết yếu. Atlético Madrid dù đang phải gánh cả một núi nợ nhưng vẫn lọt vào tới trận chung kết Champions League năm 2014 với một đội hình toàn các cầu thủ đã được đem gán cho cái “giải pháp tài chính” này.

Mua sách Giải Mật Ngoại Hạng Anh ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Giải Mật Ngoại Hạng Anh” khoảng 162.000đ đến 181.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Shopee, Newshop, Fahasa, Tiki…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Giải Mật Ngoại Hạng Anh Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Giải Mật Ngoại Hạng Anh Shopee” tại đây

3 Giá khuyến mãi ưu tiên số 3 “Giải Mật Ngoại Hạng Anh Fahasa” tại đây

Xem thêm

Từ khóa tìm kiếm: Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf, Download free

Trả lời