Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Giới thiệu sách Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều – Nhiều tác giả

Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Thế giới có lẽ chưa bao giờ nhỏ đến thế! Chúng ta có thể ngồi tại nhà và đặt phòng cho chuyến công tác vào 6 tháng sau ở tận bên kia bán cầu; nhân thể ta cũng đặt bàn ăn cùng đối tác luôn; thậm chí, nếu còn độc thân, ta có thể có cơ hội hẹn hò nhân dịp này… Tất cả đều được thực hiện trên chiếc điện thoại cầm tay của bạn, với những thao tác đơn giản, dựa trên các trang mạng kết nối người có nhu cầu với người cung cấp dịch vụ!

Những công ty đại chúng lớn như Alibaba hay Facebook cũng như các công ty khởi nghiệp giá trị nhất hiện nay như Airbnb và Uber đều là những doanh nghiệp “mai mối” kiểu này – kết nối một nhóm khách hàng này với một nhóm khách hàng khác. Các nhà kinh tế học gọi đó này là các nền tảng đa chiều, vì họ cung cấp nền tảng thực tế hoặc ảo cho các nhóm khác nhau cùng kết nối.

Hai nhà kinh tế học David Evans và Richard Schmalensee là những người đầu tiên phân tích các nền tảng đa chiều và tìm ra các nguyên tắc hoạt động của nó cũng như khảo sát một số nền tảng đa chiều thành công để giải thích cách thức hoạt động của mô hình mới mẻ này.

Trên thực tế, những người mai mối (cũng như công việc mai mối) vốn đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp truyền thống có bị đe dọa không, và có thể làm gì trước thử thách cũng như cơ hội này?

“. . . một cuốn sách quan trọng cho bất kỳ ai quan tâm đến những hiểu biết về cách thức xây dựng một doanh nghiệp đột phá như thế nào trong nền kinh tế hiện nay.”

– Bill Gates

Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều
Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Thông tin chi tiết

  • Tên sách: Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều
  • Công ty phát hành: Nhã Nam
  • Tác giả: Nhiều tác giả
  • Nhà xuất bản: NXB Thế Giới
  • Năm xuất bản: 2019
  • Số trang: 308

Đánh giá sách Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Đánh giá sách Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều
Đánh giá sách Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

1. Hình thức không được ưng ý cho lắm, nhưng nội dung thì oke

2. Giao hàng nhanh

Review sách Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều
Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều

Thế giới chưa bao giờ bé như vậy! Chúng ta có thể ngồi tại văn phòng và đặt một chiếc taxi đang cách chúng ta vài km thông qua Grab. Chúng ta có thể dễ dàng đặt bàn ăn cho cả gia đình tại một nhà hàng ở ngoại thành thành phố. Tất cả đều được thực hiện thông qua chiếc smartphone, và chỉ cần một vài thao tác đơn giản, với sự trợ giúp của Internet, người có nhu cầu và người cung dịch vụ gặp nhau. Có thể thấy, những “kẻ mai mối” kiểu Grab xuất hiện trên thị trường với vai trò kết nối một nhóm khách hàng này với một nhóm khách hàng khác, tạo tiền đề cho sự ra đời của một nền tảng, chính là nền tảng đa chiều. Và thông qua cuốn sách Sự lên ngôi của các nền tảng đa chiều (Matchmakers: The New Economics of Multisided Platforms), hai nhà kinh tế học David Evans và Richard Schmalensee sẽ phân tích cho chúng ta hiểu rõ hơn về các nền tảng đa chiều cũng như nguyên tắc hoạt động của nó, từ đó giải thích cách thức hoạt động của mô hình mới mẻ này.

Đôi lời của tác giả bài viết: Nền tảng đa chiều là một khái niệm trừu tượng. Để có thể hiểu rõ hơn nội dung bài viết, xin bạn hãy vừa đọc vừa liên tưởng đến việc bạn đang đặt một chiếc xe thông qua ứng dụng Grab. Bạn sẽ thấy vấn đề trở nên dễ hiểu hơn rất nhiều!

Rất nhiều công ty lớn trên thế giới hiện nay là “những doanh nghiệp ghép đôi”. Không khó để có thể lấy ví dụ về những doanh nghiệp kiểu này. Facebook, Airbnb, Uber, Microsoft,… là những ví dụ điển hình.

Vậy thế nào là “doanh nghiệp ghép đôi”? Nói cách khác, Facebook, Airbnb, Uber, Microsoft,… có đặc điểm gì mà chúng ta lại gọi họ là “những doanh nghiệp ghép đôi”?

Không cần phức tạp hóa khái niệm, với cái nhìn tổng quát, chúng ta có thể hiểu đơn giản về những doanh nghiệp ghép đôi theo cách như sau:

Điểm chung của những doanh nghiệp này là tất cả đều kết nối các thành viên của một nhóm, như những người đang tìm phương tiện di chuyển, với một nhóm khác, như những tài xế đang tìm hành khách chẳng hạn.

Những “kẻ mai mối” ra đời – Sự xuất hiện của các nền tảng đa chiều – Nền tảng đa chiều khác gì so với nền tảng một chiều?

Những doanh nghiệp ghép đôi rất khác so với những mô hình kinh doanh mà chúng ta vẫn biết. Chúng vận hành theo một quy luật kinh tế cá biệt. Chẳng hạn, các doanh nghiệp sản xuất truyền thống mua nguyên liệu thô, sản xuất thành phẩm và bán cho khách hàng. Nhưng các doanh nghiệp ghép đôi thì hoàn toàn khác. Nguyên liệu thô của họ là những nhóm khách hàng mà các doanh nghiệp ghép đôi đang muốn ghép lại với nhau chứ không phải là bất cứ thứ gì họ mua. Vậy thứ họ bán là gì? Chính là các kết nối. Các doanh nghiệp ghép đôi bán sự kết nối của một nhóm khách hàng tới nhóm còn lại. Vì “sản phẩm chính” là các kết nối, tất cả các doanh nghiệp này có thể hoạt động trên cả địa điểm thực và ảo, nơi thành viên của các nhóm “nguyên liệu” sẽ được ghép cặp với nhau. Nền tảng thực hiện các kết nối này được gọi là “nền tảng đa chiều”. Chúng là những nơi tất cả các nhóm khác nhau có thể gặp gỡ. Grab là một ví dụ. Grab không bán xe và cũng không bán dịch vụ vận chuyển. Họ bán kết nối giữa bạn và tài xế chở bạn. Tất cả được thực hiện thông qua một ứng dụng trên smartphone.

Trọng tâm của các doanh nghiệp truyền thống (doanh nghiệp một chiều) là thu hút khách hàng và bán sản phẩm cho họ theo những điều khoản sinh lời, nhưng nền tảng đa chiều thì hoàn toàn khác. Họ cần thu hút hai hoặc nhiều hơn kiểu khách hàng bằng việc cho phép khách hàng tương tác với nhau theo những cách hấp dẫn.

Đầu vào quan trọng nhất của những doanh nghiệp này nhìn chung là khách hàng.

Các cửa hàng tiện lợi là những doanh nghiệp một chiều. Họ mua các mặt hàng và bán lại cho người tiêu dùng. Vinmart là một ví dụ. Vinmart nhập sữa TH, bạn trả tiền cho Vinmart để mua sữa. Bạn và nhà cung cấp sữa TH không tương tác trực tiếp với nhau. Trái lại, Grab lại là một doanh nghiệp hai chiều, bởi Grab mang bạn và các tài xế lại với nhau để bạn và tài xế tương tác trực tiếp. Grab không hề tham gia vào giao dịch giữa bạn và tài xế.

Cách nhận biết nền tảng đa chiều – Bên nào mất phí?

Để xác định một doanh nghiệp có hoạt động theo mô hình kinh tế của một nền tảng đa chiều hay không, chúng ta cần phải xét xem nó có cung cấp giá trị bằng cách kết nối hai hay nhiều kiểu khách hàng không. Điều này không phải lúc nào cũng rõ ràng ngay từ đầu, vì khi một nhóm “khách hàng” nhận được một thứ gì đó miễn phí, chúng ta thường thậm chí không coi họ như những khách hàng.

Đó chính là sai lầm phổ biến khi chúng ta nhìn nhận một doanh nghiệp có phải là doanh nghiệp đa chiều hay không.

Quay trở lại với ví dụ Grab. Khi sử dụng dịch vụ của Grab, chỉ có bên tài xế mất phí. Bạn đặt xe qua Grab, bạn chỉ cần thanh toán một số tiền nhất định tương ứng với quãng đường bạn di chuyển cho tài xế và không phải trả bất cứ đồng nào cho Grab, nhưng tài xế chở bạn sẽ phải trích một khoản trong số tiền mà họ nhận được từ bạn để trả lại cho Grab. Vì thế, chúng ta thường suy nghĩ rằng chúng ta không phải là khách hàng của Grab. Thực tế không phải vậy. Grab không bán dịch vụ xe ôm, Grab bán mối quan hệ giữa bạn và “các chú xe ôm”, tuy nhiên chúng ta thường sẽ không nhận ra điều này bởi chúng ta không mất một đồng phí nào cho Grab. Grab là một doanh nghiệp đa chiều, và bạn vừa là một khách hàng của Grab vừa là nguyên liệu đầu vào của họ.

Trong thực tế, một tín hiệu khá rõ ràng cho thấy một doanh nghiệp là doanh nghiệp ghép đôi chính là việc nó không tính phí một nhóm quan trọng hoặc có vẻ như đang trao cho nhóm ấy một ưu đãi tốt đến mức gần như phi thực tế. Đó chính là cách bạn nhận biết một doanh nghiệp có phải là doanh nghiệp nền tảng đa chiều không.

Đôi lời của tác giả bài viết: Trung tâm thương mại (TTTM) Royal City (Vingroup) có phải là doanh nghiệp đa chiều không? (Đáp án ở cuối bài viết)

Hiệu ứng mạng lưới gián tiếp

Một chiếc điện thoại sẽ trở nên vô dụng nếu không có ai khác cũng sở hữu một chiếc. Ngay cả Bell và Watson cũng đã bắt đầu với hai chiếc điện thoại. Một chiếc điện thoại sẽ có giá trị hơn nếu người sử dụng có thể kết nối được với nhiều người hơn.

Hiện tượng này gọi là một hiệu ứng mạng lưới trực tiếp. Càng nhiều người kết nối với một mạng lưới, mạng lưới càng trở nên có giá trị đối với từng người tham gia. Các nhà kinh tế học cũng gọi hiện tượng này là một “ngoại tác mạng lưới trực tiếp tích cực”. Khi một người gia nhập mạng lưới, anh ấy trực tiếp hưởng lợi từ những người có thể muốn tiếp cận với anh. Các nhà kinh tế học gọi đây là một “ngoại tác” bởi một người đang tác động tới một người khác, còn sở dĩ nó là một “ngoại tác tích cực” bởi ảnh hưởng này có lợi cho người khác.

Nhưng ngoại tác mạng lưới trực tiếp không phải lúc nào cũng đúng trong nền tảng đa chiều bởi nó phục vụ ít nhất hai loại khách hàng riêng biệt. Một hiệu ứng khác sẽ phù hợp hơn trong nền tảng này. Nó được gọi là “hiệu ứng mạng lưới gián tiếp”.

Một hiệu ứng mạng lưới là gián tiếp khi giá trị của doanh nghiệp ghép đôi đối với một nhóm khách hàng phụ thuộc vào số lượng thành viên tham gia của một nhóm khác.

Ví dụ Grab, càng nhiều tài xế đăng ký tài khoản Grab, khách hàng sẽ càng cảm thấy Grab có giá trị, bởi Grab không bao giờ để người đặt xe rơi vào tình trạng không có tài xế (không tính trường hợp đặc biệt như đi đường ngắn trong giờ cao điểm). Giá trị của Grab phụ thuộc vào số lượng tài xế mà họ quản lý, bởi điều này sẽ tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho người đang có nhu cầu đặt xe. Đó chính là lý do vì sao số lượng tài xế chạy Grab ngày một gia tăng.

Sáu vấn đề thiết yếu mà một nền tảng đa chiều cần giải quyết

Cơ hội để một nền tảng đa chiều xuất hiện là khi các lực cản khiến những người tham gia thị trường không thể giao dịch dễ dàng và trực tiếp với nhau. Các doanh nhân có thể nhận diện được cơ hội khởi sự một doanh nghiệp ghép đôi bằng cách tìm ra các chi phí giao dịch đáng kể đang chia rẽ những người sẵn lòng mua và sẵn lòng bán, và chi phí này có thể được giảm bớt bằng một doanh nghiệp ghép đôi được thiết kế tốt.

Nền tảng đa chiều cần phải đạt tới lượng tới hạn để có thể châm ngòi. Họ cần thu hút một số lượng người tham gia ở cả hai chiều sao cho thỏa đáng để có thể tạo ra giá trị. Nếu không làm được điều này, họ sẽ sụp đổ. Nếu làm được, các hiệu ứng mạng lưới gián tiếp thường sẽ giúp họ tạo ra sự phát triển bền vững.

Nền tảng đa chiều cần có một cơ cấu giá đúng đắn. Điều này là thiết yếu để một doanh nghiệp ghép đôi cất cánh và đảm bảo khả năng lợi nhuận về lâu dài. Nền tảng cần phải cân bằng các nhu cầu phụ thuộc lẫn nhau của nhiều nhóm người tham gia.

Nền tảng đa chiều thường nằm trong một hệ sinh thái rộng hơn, bao gồm các doanh nghiệp, Chính phủ, luật pháp và các thiết chế khác. Một nền tảng cần đảm bảo rằng nó có thể phối hợp tốt với mọi đối tượng, và đôi khi nó cũng phải tự thay đổi chính môi trường nội bộ của nó để có thể đảm bảo thực hiện sự phối hợp này. Nền tảng này cũng phải quyết định việc nó có bao nhiêu nhóm khách hàng nó muốn kết nối, từ đó quyết định việc nó nên có bao nhiêu chiều.

Các nền tảng đa chiều vận hành trên địa điểm thực hoặc ảo, nơi các thành phần tham gia kết nối với nhau. Họ cần phải chắc chắn rằng họ thiết kế những nền tảng này với mục đích nhằm nâng cao giá trị của các hiệu ứng mạng lưới trực tiếp và gián tiếp giữa các thành phần tham gia.

Cuối cùng, các doanh nghiệp ghép đôi cần phải lưu tâm đến cách các thành phần tham gia tương tác với nhau. Các quy định đúng đắn có thể thúc đẩy các ngoại tác mạng lưới tích cực, cả trực tiếp và gián tiếp, cũng như ngăn chặn các ngoại tác tiêu cực.

Sáu công nghệ chắp cánh cho sự phát triển của các nền tảng đa chiều

  • Các con chip mạnh mẽ hơn
  • Mạng Internet
  • Mạng lưới toàn cầu (World Wide Web)
  • Truyền thông băng thông rộng
  • Các ngôn ngữ lập trình và hệ điều hành
  • Đám mây
  • Chỉ còn một thế giới

Người ta bắt đầu phân biệt thế giới trực tuyến và thế giới thực từ đầu những năm 1990, khi mạng Internet thương mại hình thành và sự ra đời của các văn bản liên kết HTML cho ra đời mạng lưới toàn cầu (World Wide Web). Thế giới trực tuyến là nơi chúng ta kết nối với máy tính để làm việc, còn thế giới thực là nơi chúng ta làm mọi việc khác.

Hiện giờ hai thế giới này đang được gộp lại làm một, và sự khác biệt giữa thế giới trực tuyến và thế giới thực đang ngày càng trở nên vô nghĩa. Khi bạn đặt xe qua ứng dụng Grab, bạn đang sống trong thế giới thực của xe máy, nhà cửa, khói bụi thành phố, nhưng bạn và tài xế Grab lại tìm thấy nhau và kết nối với nhau nhờ sử dụng các thiết bị di động kết nối với đám mây của mình. Chúng ta đang di chuyển nhanh chóng tới một thế giới nơi không gian thực được lấp đầy bởi các kết nối tới đám mây. Các doanh nghiệp đang sử dụng các thiết bị điện toán được kết nối mạng cùng các ứng dụng thanh toán tinh vi và các thiết bị không dây nhỏ, được gọi là các mốc tín hiệu, để kết nối với các khách hàng trong cửa hàng.

Các thiết bị di động thông minh này, với các động cơ vô hình, được kết nối bởi mạng di động băng thông rộng và các mạng không dây cố định tới đám mây, cung cấp một nền móng cho các nền tảng đa chiều mới nhằm giải quyết nhiều lực cản hơn, giảm nhiều hơn các chi phí giao dịch và tạo ra nhiều hơn các kết nối có lợi ích chung theo những cách chúng ta chưa thể hình dung được.

Sự hủy diệt mang tính sáng tạo – Những “kẻ mai mối” đầy thách thức

Mỗi công nghệ trong sáu loại chắp cánh cho sự vươn lên của nền tảng đa chiều củng cố cho những cái còn lại. Với những tiến bộ vượt bậc theo thời gian, chúng đã tăng cường lẫn nhau, dẫn đến một sự gia tăng sức mạnh ngày càng lớn mà chúng mang lại cho các doanh nghiệp ghép đôi. Ngay cả khi không có những công nghệ này, các doanh nghiệp ghép đôi đã có những hiệu ứng mạng lưới gián tiếp có thể tạo ra sự tăng trưởng thần tốc cho bất cứ ai có thể giải quyết được bài toán châm ngòi (một trong sáu vấn đề chủ đạo của nền tảng đa chiều). Với sự hậu thuẫn của những yếu tố này, các doanh nghiệp ghép đôi sở hữu một nguồn động lực không ngừng được tăng cường. Điều này tạo ra một cơn bão “hủy diệt sáng tạo” và góp phần cách mạng hóa các nền kinh tế trên toàn thế giới.

Việc các doanh nghiệp ghép đôi được tăng áp đã khuấy đảo các ngành công nghiệp hiện có. Trong thập niên vừa qua, việc các nền tảng đa chiều được tăng áp đã phát triển những cách thức vận hành tốt hơn và điều này đang tàn phá các doanh nghiệp truyền thống. Sự phát triển nhanh như vũ bão của Grab đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng tới ngành xe ôm truyền thống. Grab, cùng với những công ty tương tự như Be, Go Việt,…, đã tạo ra một lượng giá trị lớn cho khách hàng và các lái xe, nhưng hệ quả là công việc kinh doanh của hàng loạt người chạy xe ôm truyền thống bị đe dọa. Một vài hậu quả đáng tiếc đã xảy ra, như việc lái xe ôm truyền thống gây ẩu đả với xe ôm Grab, tuy nhiên những sự việc như thế này sẽ không đủ tầm để có thể gây ảnh hưởng lên cơn sóng “nền tảng đa chiều”.

Kết

Nền tảng đa chiều xuất hiện như một tất yếu lịch sử, và với sự trợ giúp của phát triển công nghệ cũng như các hiệu ứng kinh tế, các doanh nghiệp ghép đôi đang ngày dần chiếm lĩnh thị trường và trở thành mối đe dọa thực sự nghiêm trọng đối với hàng loạt ngành nghề kinh doanh truyền thống. Trên thực tế, những “người mai mối” vốn đã tồn tại hàng thiên niên kỷ, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp truyền thống có bị đe dọa không, đe dọa ở mức độ nào, và làm thế nào để họ chống lại thử thách cũng như cơ hội này?

Ngày nay, nền tảng đa chiều phổ biến tới mức xung quanh chúng ta đâu đâu cũng có bóng dáng của nó. Hàng loạt ứng dụng tích hợp trong điện thoại của bạn (Grab, Go Việt,…) đều là ứng dụng của các công ty ghép đôi. Các TTTM (Royal City, Times City,…) cũng là các doanh nghiệp ghép đôi. Royal City là một nền tảng đa chiều kết nối khách mua sắm và các cửa hàng. Các nhà phát triển bên Vingroup ghép những dạng khách mua sắm cụ thể với các cửa hàng bằng việc quyết định xây dựng các TTTM ở đâu và chọn những cửa hàng bán lẻ nào để cho thuê mặt bằng. Chẳng hạn, Royal City được xây ở một vị trí rất đắc địa trên bản đồ Hà Nội (Ngã Tư Sở) và lựa chọn các cửa hàng cao cấp và cho họ thuê. Rồi họ thiết kế bố cục TTTM sao cho khách hàng có thể di chuyển và tiếp cận các cửa hàng thuận tiện nhất. Đó chính là lý do mọi TTTM luôn được thiết kế theo phong cách “vòng tròn”.

Sự lên ngôi của các nền tảng đa chiều là một công trình nghiên cứu dày công của hai nhà kinh tế học là David Evans và Richard Schmalensee. Thông qua cuốn sách này, độc giả có thể hiểu thêm về cách thức xây dựng một doanh nghiệp đa chiều đột phá như thế nào trong nền kinh tế 4.0 ngày nay, đồng thời nó cũng là lời cảnh tỉnh gửi đến những doanh nghiệp truyền thống.

Mua sách Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều ở đâu?

Giá trên thị trường cuốn “Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều” khoảng 85.000đ đến 96.000đ. Tuy nhiên bạn có thể tham khảo sách trên các trang thương mại điện tử như: Tiki, Fahasa, Shopee,…

1 Giá khuyến mãi ưu tiên số 1 “Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều Tiki” tại đây

2 Giá khuyến mãi ưu tiên số 2 “Sự Lên Ngôi Của Các Nền Tảng Đa Chiều Shopee” tại đây

Xem thêm

[Review sách, Tải sách, Ebook, Pdf]

Trả lời