Làm thế nào để nâng cao giá trị bản thân?
Làm thế nào để nâng cao giá trị bản thân?
1. Thay vì tin tưởng và thấu hiểu bản thân, rất nhiều người trong chúng ta lại tìm kiếm giá trị của mình thông qua sự công nhận của người khác. Chúng ta vẫn luôn ôm hy vọng rằng một ngày nào đó, những điều tốt đẹp mình có sẽ được mọi người trân trọng. Ý kiến của những người xung quanh từ lúc nào đã trở thành “điều kiện” để chứng minh cho sự trọn vẹn, đủ đầy của chúng ta. Dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết, bất toàn, những hãy tôn trọng và chấp nhận chính con người thật của mình. Việc nỗ lực để hoàn thiện hơn không đồng nghĩa với hành động tự phán xét. Khi biết yêu thương bản thân và ngưng tìm kiếm những lời tán thưởng bên ngoài, vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong mới có cơ hội để tỏa sáng.
2. Những điều cũ kỹ cần phải ra đi để nhường chỗ cho những điều mới. Một ngôi nhà rộng rãi, khang trang nhưng bên trong lại chất đầy đồ đạc thì làm sao có thể gọn gàng và tinh tươm? Cảm xúc cũng như vậy, khi chúng ta níu giữ quá nhiều câu chuyện, tổn thương của quá khứ, hiện tại sẽ trở nên nặng nề và u ám. Hãy “quét dọn” tâm hồn của mình thường xuyên hơn để loại bỏ những “mảnh vụn” tiêu cực còn sót lại trong ký ức, những rào cản tinh thần ngăn trở bạn với những điều tuyệt vời.
3. Chúng ta cần hiểu rằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, bởi mỗi người sinh ra đã là những cá thể riêng biệt. Chúng ta khác nhau từ môi trường sống, cách giáo dục cho đến tính cách, tài năng… Mặc dù thúc đẩy tiến bộ nhưng sự so sánh lại bóp nghẹt chúng ta với những áp lực, khuôn khổ, không những thế, chúng còn gây tổn hại đến lòng tự trọng, tự tin của mỗi người. Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội – nơi bao phủ rất nhiều điều đẹp đẽ, chúng ta càng dễ mặc cảm khi nhìn thấy cuộc sống “hoàn hảo” của người khác qua những hình ảnh thú vị và rực rỡ. Chúng ta trở nên tự ti khi áp đặt giá trị của người khác lên bản thân mà quên mất rằng chính mình cũng đang sở hữu những “món quà” tuyệt vời và vô giá.
4. Lối sống bận rộn ngày nay đã “ngốn” của chúng ta rất nhiều thời gian và năng lượng. Vì vậy, đừng ôm đồm thêm những công việc không cần thiết để rồi khiến bản thân căng thẳng. Dù rằng giúp đỡ người khác là một điều nên làm nhưng đôi khi, chúng ta cũng cần biết đâu là giới hạn của bản thân. Việc nói “không” với những lời đề nghị sẽ giúp chúng ta bảo vệ và nâng cao giá trị của chính mình, đồng thời đứng vững trước những tác động ngoại cảnh làm lung lay mục tiêu của chúng ta.
5. Bạn nắm trong tay vận mệnh của chính mình, do đó, đừng để người khác “sống thay” cuộc đời của bạn. Hãy chịu trách nhiệm với mọi hành động của bản thân, chủ động với cuộc sống và đừng là “cây tầm gửi” vào bất kỳ ai. Việc bào chữa cho những vấn đề và xem bản thân là nạn nhân của cuộc đời đồng nghĩa rằng chúng ta đang trao quyền tự do sống, tự do chọn lựa vào tay người khác. Cuộc đời là một cuốn sách do chính chúng ta viết nên. Vì vậy, hãy lấp đầy cuốn sách với những khoảnh khắc hạnh phúc và ý nghĩa.
Xem thêm